Như Mai (Hà Nội)
Trứng luộc giúp cơ thể hấp thu 100% dưỡng chất
Trứng là một trong những thực phẩm cung cấp nhiều chất đạm có giá trị sinh học cao, dễ hấp thu (tỷ lệ hấp thu chất đạm của trứng là 100%, tương đương với đạm trong sữa nếu biết cách chế biến đúng). Ngoài ra, trong lòng đỏ trứng còn cung cấp nhiều chất béo, các vitamin và khoáng chất rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ như: Sắt, viatmin A, kẽm… Vì vậy trứng là một thức ăn bổ dưỡng, đặc biệt với người già và trẻ em.
Thông thường 1 quả trứng gà ta nặng khoảng 40g (cả vỏ), 1 quả trứng vịt: 70g (cả vỏ). Nếu bỏ vỏ thì 100g trứng gà tương đương 3 quả, còn 100g trứng vịt tương đương 1,5 quả.
Tuy trứng là thực phẩm rất tốt nhưng cũng không nên cho trẻ ăn quá nhiều, vì hàm lượng chất béo trong trứng cao làm bé dễ bị đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, tuỳ theo tháng tuổi mà cho ăn số lượng khác nhau.
Trẻ 6 -7 tháng tuổi: Chỉ nên ăn 1/2 lòng đỏ trứng gà/bữa, ăn 2 – 3 lần/tuần.
Trẻ 8 – 12 tháng tuổi: Ăn 1 lòng đỏ/bữa ăn 3 – 4 bữa trứng/1 tuần.
Trẻ 1 – 2 tuổi: Nên ăn 3 – 4 quả trứng/tuần, ăn cả lòng trắng.
Trẻ từ 2 tuổi trở lên nếu bé thích trứng có thể cho ăn 1 quả/ngày.
Trứng gà có rất nhiều cách để chế biến như: Luộc, rán, chưng, đúc thịt, ốp lếp… Tuy nhiên, các con bạn lại thích ăn trứng luộc và đấy là cách ăn rất thông minh vì tỷ lệ hấp thu và tiêu hóa ở trứng luộc là 100%, trong khi đó tỷ lệ này ở trứng rán chín tới là 98,5%, trứng rán già 81%, trứng ốp 85%, trứng chưng 87,5%. Ngoài ra, ăn trứng luộc chín tới không những bảo đảm được chất dinh dưỡng như protein, lipid, khoáng chất... mà các vitamin cũng bị mất đi ít.
Cách luộc trứng gà chín tới
Không ít người khi luộc trứng thường cho rằng, cho vào đun sôi chín là được, nên nhiều khi trứng bị nứt hoặc vỡ làm mất chất dinh dưỡng. Cách luộc trứng chín tới là cho trứng cùng với nước lã vào nồi rồi đun sôi dần. Khi nước sôi, vặn nhỏ lửa đun khoảng 2 phút rồi tắt bếp ngâm trứng khoảng 5 phút. Như vậy, trứng vừa chín tới, lòng đỏ không bị chín kỹ quá, dễ hấp thu. Lúc luộc trứng, có thể cho thêm một ít muối để giữ cho trứng không bị vỡ.
Trứng vừa lấy ở tủ lạnh ra không nên luộc ngay, cũng không nên ngâm trong nước nóng hay luộc bằng lửa quá to vì dễ gây vỡ trứng hoặc không chín lòng đỏ.
Ngoài ra, bạn nên lưu ý tuyệt đối không chế biến trứng theo kiểu hòa tan trứng sống trong cháo nóng, canh nóng cho trẻ để phòng nhiễm khuẩn. Bởi vì đường sinh dục của gà có rất nhiều vi khuẩn nên cả trong và ngoài trứng gà đều có thể nhiễm khuẩn, đặc biệt là Salmonella - một yếu tố gây ngộ độc thức ăn.
Bạn nên biết trong lòng trắng trứng sống còn có một chất chống lại biotin (vitamin H), cản trở hấp thu dưỡng chất này. Vitamin H là yếu tố không thể thiếu được trong quá trình sử dụng protein và đường - bột, cần thiết cho sự phát triển bình thường của cơ thể. Vì vậy, ăn trứng sống hoặc chín tái đều có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trứng gà rán hoặc ốp mà dùng lửa to thì dễ khiến bên ngoài cháy mà bên trong chưa chín. Lúc đó, lòng trắng trứng bị cháy sẽ khó hấp thu, lại tiêu hủy các vitamin tan trong nước như vitamin B1, B2, còn lòng đỏ chưa được tiệt khuẩn nếu có. Vì vậy, khi rán hoặc ốp trứng, nên để lửa nhỏ, thời gian lâu một chút cho lòng đỏ vừa chín là tốt.
Chuyên gia tư vấn Kim Mai/Báo Gia đình & Xã hội