Chị Thư (bìa phải) tư vấn về chế độ bảo hiểm xã hội cho khách hàng. Ảnh: Hưng Tân
3 năm mang hai “án tử”
Kể về cuộc đời mình, chị Nguyễn Thị Kim Thư chia sẻ, khi biết mình bị bạo bệnh, chị luôn tự nhủ rằng phải vượt qua sợ hãi, qua những cơn đau. “Trước khi chết mà chưa làm được những điều mình mong muốn thì thật đáng tiếc”- chị Thư nói. Câu nói ấy của người phụ nữ đang mang trên mình trọng bệnh khiến chúng tôi khâm phục ngay từ khi tiếp xúc với chị.
Chị Thư kể rằng chị đã chứng kiến nỗi đau của cha mình khi bị căn bệnh ung thư đại tràng hành hạ. Giai đoạn cuối của bệnh, cha chị bị tai biến phải nằm liệt giường. Mặc dù bệnh tật hành hạ, nhưng ông vẫn tỏ ra lạc quan, yêu đời. Cha mất khi chị đang học năm cuối đại học tại chức (năm 2005). Một thời gian sau, chị thấy trong người mệt mỏi, đau ở vùng bụng, hay bị choáng… Đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu khám, các bác sĩ cho biết chị bị ung thư dạ dày.
Không tin đây là sự thật, chị tiếp tục lên Bệnh viện Chợ Rẫy – TP. HCM kiểm tra lại. “Tôi còn nhớ khi đó bác sĩ Phan Kim Hiếu, Khoa Ngoại tiêu hóa là người trực tiếp điều trị. Khi xem những tấm phim chụp X quang và các khâu kiểm tra khác, bác sĩ Hiếu cho biết tôi bị ung thư dạ dày giai đoạn 2 đã di căn 1/8 hạch, dù sức khỏe yếu, nhưng do khối u to nên cần phẫu thuật gấp. Nghe xong, tôi choáng váng không biết gì nữa. Sau ít phút, tôi cũng lấy lại bình tĩnh để trấn an mẹ mình phải chấp nhận sự thật”, chị Thư nhớ lại.
Sau ca phẫu thuật chị bị cắt bỏ 4/5 dạ dày, từ 46 kg sụt xuống còn 35 kg. Sức khỏe lúc này khá yếu nhưng chị Thư không hề bỏ cuộc. Cứ tới đợt điều trị, chị lại một mình ngồi xe đò từ Bạc Liêu vượt gần 300km để lên TP. HCM điều trị, chạy 6 đợt xạ trị. Xong mỗi đợt, chị lại nhanh chóng đến cơ quan (Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bạc Liêu) làm việc bình thường để công việc không bị chậm trễ.
Nghĩ cuộc sống sẽ tốt lên khi bạo bệnh lui dần, không ngờ số phận lại thử thách chị thêm lần nữa. Cuối năm 2008, một cơn sốt ập đến, chị vào bệnh viện kiểm tra sức khỏe, hung tin tiếp tục xuất hiện khi bác sĩ cho biết chị bị ung thư nội mạc tử cung. Nhìn vóc người nhỏ bé của chị, các bác sỹ ái ngại, lo lắng vì vóc người nhỏ thó của chị có chống đỡ được với 2 căn bệnh ung thư quái ác?. Thế nhưng, với ý chí mãnh liệt, niềm tin vào sự sống đã nung đúc chị đứng lên để vượt qua bạo bệnh.
Ca phẫu thuật ung thư lần thứ 2 được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện sau đó. Kết quả phẫu thuật thành công, nhưng toàn bộ tử cung và buồng trứng của chị buộc phải cắt bỏ, đồng nghĩa với việc chị mất đi khả năng làm mẹ.
10 năm kiên cường
Chị Thư (giữa) động viên những người bị bệnh hiểm nghèo. Ảnh: Hưng Tân
Cuộc sống của một người phụ nữ gầy yếu trải qua 2 lần phẫu thuật ung thư là chuyện không hề dễ dàng. Hơn ai hết, mẹ chị là người rất hiểu và luôn sát cánh với chị, nhưng nhiều lúc bà cũng bi quan. “Tôi thật sự lo lắng và có thời gian rất sợ vì không biết con gái mình có vượt qua được hay không. Tôi chỉ biết động viên tinh thần và cầu mong mọi điều may mắn đến với con gái mình”, bà Bùi Thị Kim Tuyến, mẹ chị Thư tâm sự.
Cùng với việc áp dụng xạ trị theo chu kỳ mà bác sĩ đưa ra, bản thân chị Thư cũng thực hiện một chế độ ăn uống hợp lý. Chị trồng rau sạch xung quanh nhà để tự chế biến bữa ăn cho mình, hạn chế tối đa việc ăn uống hàng quán. Hàng ngày chị tập luyện thể dục, lao động nhẹ và sống lạc quan, tự tin với chính mình.
Sức khỏe khá yếu sau hai lần phẫu thuật ung thư, chị phải xin lãnh đạo cơ quan cho phép luân chuyển, bố trí công việc ít phải đi công tác để tiện việc điều trị. Theo chị Thư, dù bản thân từng bị bệnh nhưng khi vào cơ quan là chị làm việc cật lực, hiệu quả. Làm việc tốt cũng là cách để quên đi bệnh tật. Suy nghĩ thế nên chị Thư luôn là một trong những cán bộ các đạt danh hiệu lao động tiên tiến, nữ hai giỏi, chiến sĩ thi đua… nhiều năm liền. Ông Phan Thắng, Phó giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bạc Liêu nhìn nhận: “Chị Thư có một tinh thần thép trong đấu tranh chống chọi với bệnh hiểm nghèo. Chị là người lạc quan, sống hòa đồng, làm việc trách nhiệm và hiệu quả…”.
Cuối tháng 12/2014, sau khi kiểm tra sức khỏe định kỳ, chị vui mừng khi nghe bác sĩ thông báo chị đã đẩy lùi căn bệnh ung thư. Nước mắt tuồn tràn khi niềm vui gõ cửa, bởi đây là kết quả của 10 năm ròng rã chiến đấu với 2 căn bệnh hiểm nghèo.
Hiện chị Thư cùng với những người có tâm huyết ở Bạc Liêu đã đứng ra thành lập Hội ung thư nhằm mục đích tư vấn, giúp đỡ những bệnh nhân ung thư hiểu về căn bệnh này và có ý chí vượt qua.
“Tôi vốn được thừa hưởng từ bố tinh thần lạc quan, vui vẻ để chiến thắng bệnh tật, nên xác định cho mình không bao giờ được phép yếu đuối. Tôi suy nghĩ đơn giản là chết thì trước sau ai cũng chết, nhưng trước khi chết mà chưa làm được những điều mình mong muốn thì thật đáng tiếc. Vì vậy, tôi đặt tất cả lòng tin vào chuyên môn của các bác sĩ. Tôi tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị và âm thầm nuôi hy vọng để có thể sống, vượt qua bệnh hiểm nghèo… và bây giờ mình đã làm được”, chị Thư tâm sự.
H.Tân - H.Châu/Báo Gia đình & Xã hội